Thế hệ DDR SDRAM ban đầu được bán ra trên thị trường vào năm 2000 và sau đó 3 năm nó được thanh thế bởi DDR2 SDRAM.
Năm 2007, DDR3 SDRAM được đưa ra thay thế thế hệ cũ và công nghệ này tồn tại từ đó cho đến nay. Sau 7 năm tồn tại và phát triển, DDR3 mới chính thức được thay thế bởi DDR4.
DDR4 sở hữu kích thước có phần tương đương vởi DDR3, chiều rộng được giữ nguyên và chiều cao được nâng lên một chút.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất đó là việc DDR4 sử dụng 288 Pin thay vì 240 Pin trên DDR3. RAM DDR4 có điện áp hoạt động thấp hơn, tiết kiệm nhiều năng lượng hơn, hiệu suất hoạt động tốt hơn, tần suất hoạt động cao hơn và mật độ chip được cải thiện.
Đa phần RAM DDR3 chạy ở mức điện áp ở 1.5V với các module năng lượng thấp chạy ở 1.35V. Một số nhà sản xuất đã cho ra mắt RAM chạy trên mức điện áp này để phù hợp hơn cho việc ép xung ram, nhưng phần lớn điện áp 1.5V là đủ cho việc sử dụng.
DDR4 khi ra mắt được sử dụng với điện áp định mức 1.2V nhưng nhiều khả năng sẽ ra mắt với các mẫu sử dụng điện áp chỉ 1.05V. Bên cạnh đó, công nghệ RAM mới còn có thể tiết kiệm năng lượng bằng việc tự động giảm điện áp xuống mức thấp nhất khi hệ thống đang ở trạng thái chờ.
Điện áp hoạt động thấp hơn, điện năng tiêu thụ ít hơn cho phép RAM DDR4 tỏa nhiệt ít hơn DDR3
Về tốc độ, bộ nhớ RAM DDR4 có mức xung nhịp khởi điểm bắt đầu từ 2133 MHz, dự kiến sẽ đạt ngưỡng 3200 MHz thậm chí là 4266MHz trong thời gian tới.
Do mật độ chip trên DDR4 gấp đôi DDR3 nên chúng ta có thể chứng kiến một thanh RAM có dung lượng 16 GB, 32GB thậm chí là 64 GB cho các hệ thống máy chủ.
RAM DDR4 MANG LẠI LỢI ÍCH GÌ?
Các dòng máy laptop và máy chủ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi chuyển sang bộ nhớ DDR4.
Đặc biệt là máy chủ – các dòng máy này thường cần dung lượng Ram rất lớn và hoạt động liên tục nên việc giảm tiêu thụ điện năng khi chuyển sang bộ nhớ DDR4 sẽ giảm chi phí phát sinh hàng tháng cho chủ đầu tư.
Còn các dòng máy laptop cao cấp thường sử dụng 8GB – 16GB Ram, việc giảm 20% lượng điện thế tiêu thụ sẽ là vô cùng quan trọng giúp cho pin laptop hoạt động lâu hơn trước.
Còn đối với các thiết bị di động, DDR4 sẽ giúp nhà sản xuất đạt được ngưỡng tốc độ mới cùng khả năng mở rộng dung lượng RAM lên mức cao hơn đồng thời tiết kiệm điện năng 40%.
Cho dù màn hình vẫn là thành phần ngốn điện nhất nhưng với nền tảng DDR4, các nhà sản xuất SoC sẽ có nhiều lựa chọn hơn với việc tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị di động, điều này giúp cho tuổi thọ pin được nâng cao.
CÓ NÊN NÂNG CẤP LÊN DDR4?
Với những lợi ích kể trên của RAM DDR4, chắc hẳn nhiều người muốn sở hữu ngay hệ thống mới hoặc nâng cấp lên công nghệ này, song, hãy thực sự bình tĩnh.
Giá thành là một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của bạn, ngay cả khi rất chịu chơi, bạn cũng không nên nóng vội.
Giá thành của RAM DDR4 sẽ đắt hơn từ 40-50% so với RAM 3 ở thời điểm hiện tại, bên cạnh đó phần cứng hiện tại vẫn chưa thể tương thích với bộ nhớ Ram mới này (chủ yếu là mainboard), và giá thành cho mainboard mới chắc chắn sẽ không hề rẻ chút nào.
Bởi vậy, nếu là người dùng phổ thông không nên nâng cấp lên DDR4 tại thời điểm này. Những người phù hợp chỉ bao gồm những OC-er chuyên nghiệp và chịu chơi hay các hệ thống máy chủ để có thể tiết kiệm được chi phí phát sinh từ lượng điện năng tiêu thụ.