Cách đây không lâu bên cạnh GeForce GTX Titan X thì Nvidia cũng chính thức giới thiệu phiên bản mới nhất của dòng card đồ họa chuyên nghiệp Quadro mang mã Quadro M6000. Giống như Titan, M6000 cũng được phát triển trên kiến trúc Maxwell và dùng chip GM200.
Nvidia trang bị cho Quadro M6000 những gì tốt nhất với 3072 lõi CUDA, xung nhịp tối đa đến 1,14 GHz cho năng lực tính toán 7 TFLOPS (single-precision). Một điều thú vị là công nghệ GPU Boost cuối cùng đã được Nvidia trang bị cho dòng Quadro và trên M6000, chiếc card này hỗ trợ 10 trạng thái tăng xung khác nhau, nhanh nhất là 1,14 GHz. Như những gì đã làm với GeForce và Tesla, công nghệ này cho phép Nvidia tăng xung nhịp GPU lên tối đa để có được hiệu năng tốt hơn khi bán ra mà không ảnh hưởng đến hiệu quả làm mát hay các giới hạn về điện năng. Đi cùng với chip GM200 thì M6000 được tích hợp bộ nhớ GDDR5 dung lượng 12 GB với xung nhịp bộ nhớ lên đến 6,6 GHz, băng thông 317 GB/s.
Về hiệu năng tổng thể, Quadro M6000 hứa hẹn mang lại hiệu năng xử lý cao hơn so với K6000. Với xung nhịp cao hơn, số lõi CUDA nhiều hơn và kiến trúc Maxwell 2 hiệu quả hơn, hiệu năng thực tế của Quadro M6000 sẽ cao hơn 50% và các nhà thiết kế đến từ Lucasfilm đã có cơ hội dùng thử chiếc card này và họ khẳng định hiệu năng của M6000 về tổng thể tăng 55%.
Kiến trúc Maxwell 2 cũng mang lại cho M6000 nhiều tính năng mới. Về mặt trình chiếu, M6000 là phiên bản card Quadro đầu tiên có thể xuất ra 4 màn hình ở độ phân giải 4K cùng lúc (thế hệ Quadro trước bị giới hạn ở 2 màn hình 4K). Thêm vào đó, Quadro M6000 cũng hỗ trợ bộ mã hóa video NVENC mới nhất, mặc dù bộ mã hóa này vẫn đang trong giai đoạn đầu tiên nhưng việc hỗ trợ sẵn sẽ mở ra khả năng mã hóa HEVC theo thời gian thực trên card Quadro.
Về điện năng tiêu thụ, M6000 có mức độ tiêu thụ điện năng cao nhất trong các phiên bản card Quadro với 250 W, nhiều hơn 25 W so với K6000 thế hệ trước. TDP cao hơn cho phép card chạy ở xung nhịp cao hơn và chỉ số TDP này ngang bằng với card GeForce GTX Titan X. Mặc dù vậy, M6000 chỉ dùng 1 jack kết nối nguồn 8 pin PCIe mà không cần jack mới hay jack cấp nguồn phụ.
Về thiết kế, K6000 đã được mặc áo mới với lớp vỏ kim loại tương tự GTX Titan X. Sự thay đổi này một phần là do nhu cầu điện năng cao hơn. Để phân biệt với GTX Titan X, M6000 có vỏ màu đen & xanh thay vì toàn bộ màu đen như người đồng nhiệm trên thị trường tiêu dùng. Chiều dài card vẫn là 10,5″ (26,67 cm).
Nvidia định hướng cho Quadro M6000 ở nhiều phân khúc thị trường. Trước mắt vẫn là phục vụ cho các ứng dụng đồ họa chuyên nghiệp và người dùng cao cấp với nhu cầu hiệu năng GPU cao. Tuy nhiên, công ty cũng muốn mở rộng sử dụng chức năng Physically Based Rendering (PBR) – một giải pháp render sử dụng năng lực tính toán tập trung sử dụng các thuật toán cực chính xác để mô hình hóa các đặc điểm vật lý của một vật liệu, chẳng hạn như cách ánh sáng tương tác với vật liệu và phản chiếu ngược lại một cách chính xác thay vì sử dụng các phép ước lượng.
Được biết, Quadro M6000 sẽ sớm được Nvidia bán ra dưới dạng các hệ thống hoàn chỉnh thông qua các đối tác OEM của công ty và dưới dạng sản phẩm đơn lẻ thông qua các kênh bán lẻ. Giá bán vẫn chưa được tiết lộ nhưng nhiều khả năng sẽ trên 5000 USD, tương tự như các phiên bản Quadro 6000 khác.
NVIDIA QUADRO VCA
Bên cạnh việc giới thiệu Quadro M6000 thì Nvidia cũng nhân cơ hội này làm mới hệ thống VCA (Visual Computing Appliance) – máy chủ render cao cấp kết nối mạng. VCA được thiết kế dành riêng cho các tác vụ render từ xa đòi hỏi hiệu năng rất cao. Hệ thống chứa nhiều GPU trong một hộp máy chủ và chia tỉ lệ hiệu năng đến các hộp VCA nhỏ hơn thông qua kết nối 10GigE và Infiniband.
Phiên bản mới được đổi tên thành Quadro VCA, tích hợp 8 card Quadro cao cấp. Mỗi card sử dụng các chip GM200 nhưng không phải M6000 và Nvidia cho biết chúng sở hữu một BIOS khác khiến xung nhịp xử lý khác biệt đôi chút nhưng hiệu năng tương tự M6000. Mỗi card có bộ nhớ 12 GB, tổng cộng 96 GB VRAM và 24576 nhân CUDA. Hệ điều hành sử dụng trên chiếc máy chủ này là CentOS 6.6, kèm theo đó là các phần mềm Iray 2015 và Chaos’s V-Ray RT cài sẵn hỗ trợ cho việc thiết lập. Tuy nhiên, Nvidia cho biết phần mềm không đi kèm bản quyền và người dùng phải mua riêng. Quadro VCA sẽ được bán ra qua các đối tác của Nvidia với giá 50.000 USD.